Google Stadia có thể không như kỳ vọng nhưng cloud gaming vẫn là hướng đi của tương lai - PC/Console

Cuối tháng rồi nếu không kể đến cú hích của Pokémon Sword and Shield thì sự kiện Google Stadia ra mắt có lẽ là thông đáng được chú ý nhất.

Về lý thuyết thì mọi chuyện phải diễn ra như vậy bởi đứng sau Stadia là ai? Là Google đó. Không kể đến việc tập đoàn này to như thế nào (ai cũng biết kể làm gì cho tốn chữ) thì chắc cũng hơn hai thập kỷ rồi mới một công ty dạng “tay to” đổ vốn mạnh vào mảng máy chuyên dụng chơi game, tính từ lúc Microsoft ra mắt chiếc console Xbox. Bên cạnh đó cloud gaming rất có thể trở thành xu thế tất yếu của thời đại mới nơi mọi thứ phải thỏa mãn các yếu tố nhanh, gọn, dễ tiếp cận và mọi lúc mọi nơi. Bằng ấy những điều kiện đã đủ để người ta quan tâm Google Stadia sát sao và nếu cái platform gaming (có thể coi là 1 chiếc console ảo) này thành công, bản đồ tương lai của ngành công nghiệp game hẳn sẽ được vẽ lại một cách ngoạn mục như cái cách mà Sony đã thực hiện để soán ngôi Nintendo vào thập niên 90 của thế kỷ trước.

Trà đá game thủ: Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân của Stadia
Khi Stadia trở chứng - Nhà phát triển cũng có thể là nạn nhân
Không chỉ game thủ có nhiều điều cần phải lo lắng về Stadia, các nhà phát triển cũng cần lo ngại về dịch vụ mà Google sắp cho ra mắt.

Như đã nói ở trên, về lý thuyết là như vậy. Cũng theo lý thuyết ông già Google hẳn phải bơm một luồng tiền cực khủng để thằng con Stadia xuất hiện từng phút từng giây theo kiểu tổng tài cao phú soái trên các kênh quảng cáo cũng như tranh thủ mọi sự kiện truyền thông để người ta nhớ mặt đặt tên. Google là một ông trùm trong ngành truyền thông quảng cáo, chẳng ai nghi ngờ về những gì họ có thể làm để đẩy một sản phẩm “gà nhà” vào tầm mắt của đại chúng. Chẳng nói đâu xa, với tổng lượt xem chắc phải tính bằng đơn vị hàng tỷ mỗi ngày (cái này không chắc nếu có suýt soát thì vui lòng bỏ quá cho) chỉ cần sử dụng hợp lý YouTube, ai lại không biết đến sự tồn tại của Google Stadia cơ chứ? Nhưng có một câu nói rất hay là lý thuyết chỉ có tác dụng để tham khảo. Đến giờ phút này, một số bạn bè của Mọt tui, những người không thuộc hàng game thủ hardcore nhưng ít nhiều cũng có chơi game thường xuyên, vẫn khá mù mờ về cái gọi là hướng đi của tương lai này.

Thất bại khó tin của Google ngay tại lĩnh vực sở trường

Tui không muốn nhai đi nhai lại vấn đề này nhưng xin mọi người nhớ cho Google là ông trùm trong ngành truyền thông quảng cáo và họ đã đánh nhau sống chết cùng Facebook bao năm nhưng kết quả cuối cùng vẫn bất phân thắng bại. Thế đấy, một tập đoàn khiến Mark Zuckerberg cùng đồng bọn phải vò đầu bứt tóc hàng đêm lại thất bại trong việc giới thiệu Stadia và những tính năng nổi bật của nó đến đại chúng game thủ thì đây là lỗi của ai? Hãy bắt đầu phân tích bằng cách thử vẽ một sơ đồ Venn về tập khách hàng mà Google Stadia nhắm vào.

Sơ đồ Venn là một sơ đồ cho thấy tất cả các mối quan hệ logic có thể có giữa một số lượng hữu hạn các tập hợp. Sơ đồ Venn đã được John Venn xây dựng khoảng năm 1880. Sơ đồ này được sử dụng để dạy lý thuyết tập hợp sơ cấp, cũng như minh họa mối quan hệ tập hợp đơn giản trong xác suất, logic học, thống kê, ngôn ngữ học và tin học.

Ngạc nhiên chưa, kết quả thật sự ngoài sức tưởng tượng luôn. Đầu tiên là những người có chơi game nhưng không muốn bỏ tiền để mua console hay một chiếc PC. Kế đến là những game thủ mê mấy con bom tấn AAA nhưng vẫn không muốn bỏ tiền để mua console hay một chiếc PC “xịn”. Tiếp theo là băng nhóm không chơi game nhưng vì lý do gì đó vẫn muốn sở hữu một đường truyền tốc độ siêu cao. Phải kể đến một tập hợp của những khách hàng thích chơi game mọi lúc mọi nơi nhưng méo thích Switch và cũng méo hài lòng với game mobile. Cuối cùng là mấy thằng cha thích chơi game độ phân giải 4K nhưng không muốn sở hữu game mà chỉ muốn thuê ngắn hạn. Mọt tui không chắc những con người này có tồn tại hoặc ít nhất cũng tồn tại đủ đông đảo để hình thành tập khách hàng giúp Google Stadia có thể bán được thiết bị với số lượng đột phá. Thoạt nhìn có vẻ Google đang cố gắng giải một phương trình có liên quan đến nhân khẩu học, đáng tiếc phương trình vô nghiệm mất rồi.

Tất nhiên đó chưa phải là điều khiến Google Stadia thất bại bởi trong quá khứ vài platform còn tệ hại hơn vẫn có thể sống khỏe re, miễn là nó cung cấp đủ game hay cho người ta chơi, tự khắc tiếng phàn nàn sẽ giảm xuống. Thử nhìn lại Wii U mà coi, dù bị chê bai thậm tệ, mắng nhiếc hết lời nhưng từ khi ra mắt vào năm 2012 đến nay, thiết bị chơi game của Nintendo cũng ráng vớt vát được 14 triệu bản chớ đâu có ít. Trở lại với Google Stadia nếu platform này có được những tựa game mà người ta không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác hẳn câu chuyện mà chúng ta đang bàn luận ở thời điểm này sẽ khác nhiều lắm. Các game thủ trả phí dạng phổ thông sẽ được truy cập ngay vào 12 tựa game như Assassin Creed Odyssey, Just Dance 2020, Mortal Kombat 11, bộ ba game Tomb Rider… Cũng theo kế hoạch của Google, Stadia sẽ cập nhật thêm 14 cái tên không phải hàng độc quyền như Attack on Titan 2: Final Battle, Final Fantasy 15, GRID, Metro Exodus, NBA 2K20 hay RAGE 2… Riêng những game thủ chơi lớn đăng ký gói Stadia Pro sẽ nhận được thêm Samurai Shodown cùng với Destiny 2: The Collection.

Google Stadia có thể không như kỳ vọng nhưng streaming game vẫn là hướng đi của tương lai

Đó là những trò chơi hấp dẫn nhưng cần nhắc lại một điều quan trọng, bạn không cần phải đăng ký gói dịch vụ của Stadia mới được trải nghiệm chúng mà có thể chọn phương thức khác như PS4, Xbox One hay PC cũng được. Tất nhiên chuyện mỗi thời mỗi khác nhưng các bí quyết kinh doanh căn bản thì không biến hóa bao nhiêu đâu. Hãy nhìn lại quá khứ một chút bạn sẽ thấy khi ra mắt cỗ máy PlayStation đầu tiên, Sony đảm bảo rằng họ có có được sự hợp tác độc quyền của Pygnosis và Namco (lúc này chưa có gắn với Bandai) còn Microsoft cũng nhận được cam kết trung thành từ Rare và Bungie lúc tung ra Xbox, hãy nhìn xem Google Stadia sở hữu thứ gì để bảo đảm rằng dù platform này có tệ hại đến mức nào đi nữa cũng vẫn có người chấp nhận dốc hầu bao để rước nó về? Bộ ba Tomb Raider không làm được, Assassin’s Creed Odyssey không làm được và Attack on Titan 2 cũng thế. À ừ thì Red Dead Redemption 2 có thể câu kéo ít nhiều fan nhưng số còn lại sẽ nghĩ tại sao tôi phải đăng ký Stadia để chơi cái game này trong khi có thể mua trên Steam luôn cho nhanh? Đó là cái giá phải trả khi một hệ máy/platform không sở hữu game độc quyền nào.

Giả thuyết về trò ném đá dò đường hay thật sự bị “sụp hố”?

Những điều Mọt tui nghĩ được hẳn NSX Google Stadia cũng được và chắc chắn một điều là họ sẽ nghĩ thấu đáo cũng như xa xôi hơn rất nhiều. Vậy thì tại sao kết quả lại không khả quan một chút nào nếu như họ đã có thể nhìn ra trước tất cả những chuyện bất cập đó? Thử đặt giả thuyết thế này, Google không trông mong gì vào việc Stadia sẽ trở thành ông trùm ngay từ khi ra mắt bởi dâm uy quá lớn của Sony, Microsoft cũng như nhân vật sinh sau đẻ muộn nhưng mức độ nguy hiểm thì chắc phải đứng hàng nhất nhì mang tên Valve. Có thể đây chỉ là một bước ném đá dò đường cùa họ bởi không ai dám xác nhận tiềm năng khai phá của ngành công nghiệp đã cạn kiệt nhưng nói nó còn rất dồi dào thì thật sự quá võ đoán. Mọt tui đồ rằng Google Stadia chỉ là một bước thử nghiệm xem tiềm năng thị trường còn nhiều ít, sẵn tiện cung cấp ít đồ chơi “lạ” cho đám game thủ mê công nghệ mới. Giả thuyết là vậy nhưng bằng cách nào đó họ đã làm hỏng cuộc thử nghiệm (nếu có) này.

Google Stadia có thể không như kỳ vọng nhưng streaming game vẫn là hướng đi của tương lai

Giả bạn là một tay mê công nghệ kiểu mới với ham muốn khám phá bất cứ thứ gì đó thật sự “đi trước thời đại”, kể cả khi phải trả nhiều tiền, không ai ngăn cản được thú vui nhàn nhã ấy. Khoan, tui đã nhầm, Google Stadia có thể ngăn cản bạn. Hầu hết những gì mà họ hứa hẹn trước khi sản phẩm được tung ra như chia sẻ streaming game trong thời gian thực, remote play thông qua cloud hay thứ người ta quan tâm nhất là từ nay có thể chơi game mọi lúc, mọi nơi, theo mọi cách mong muốn đều không xuất hiện trong ngày Google Stadia chính thức trình làng. Một thứ có thể không quan trọng như các tính năng trên nhưng chứng tỏ sự cẩu thả của đội ngũ phát triển Stadia chính là Achievement của các trò chơi không xuất hiện trong giao diện người dùng. Lý do mà Achievement không xuất hiện cũng khá là quái đản khi người ta chưa làm xong trang giao diện để hiển thị chúng, một chuyện tưởng như đùa mà không phải đùa trong năm 2019.

Nghe thật là tệ nhưng vẫn chưa tệ bằng việc người ta phải mua game mới thông qua ứng dụng Stadia trên điện thoại. Muốn truy cập cửa hàng trên trình duyệt kiểu như Steam Browser? Xin lỗi đội ngũ phát triển chưa nghĩ đến điều đó và bạn phải chờ bọn họ dựng store trên web đã. Bỏ qua chuyện đó, giả sử bạn đang sở hữu Chromecast hoặc điện thoại Pixel – hai thiết bị có hỗ trợ Stadia cho đến thời điểm mà tui đã quá chán nản với cái platform này và quyết định rời xa nó vĩnh viễn, thì mọi chuyện cũng khá lạ đời bởi mấy tay sở hữu Chromecast chỉ có thể chạy Stadia nếu mua gói Founder’s Edition hoặc Premium Edition. Không biết hiện tại mấy cái lỗi nhảm nhí đó đã được họ sửa chưa, có lẽ sửa rồi cũng có thể là chưa nhưng chuyện đó không quan trọng nữa vì rất nhiều người đã bái bai Google Stadia ngay từ khi họ không cách nào khởi chạy nếu không đồng ý mua gói dịch vụ VIP nhất.

Google Stadia chỉ là công cụ, cloud gaming mới chính là tương lai

Google đã tiêu tốn rất lớn cho kế hoạch Stadia (bất kể nó có phải là một cuộc thử nghiệm hay không) bởi streaming game qua cloud vẫn là thứ gì đó thuộc về hắc khoa kỹ đối với nhiều người. Cái này không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng biết, nói trước đỡ mắc công các bạn lại bảo Mọt tui chém gió. Thật tuyệt vời làm sao khi đội ngũ sản xuất đã đã gặp vấn đề ngay từ khâu phác thảo khái niệm làm thế nào để sản phẩm tiếp cận với đại chúng, tiếp đó là kế hoạch tiếp thị kém khi không có nổi một game độc quyền nào. Sai lầm nối tiếp sai lầm, bọn họ không thể đưa vào Stadia những tính năng mà nhóm marketing đã hứa hẹn trong suốt chiến dịch truyền thông của mùa hè. Cuối cùng là một số tính năng được thực hiện cẩu thả hay thậm chí chưa được thực hiện khiến trải nghiệm của người dùng rơi vào trạng thái tồi tệ chưa từng thấy.

Có thể thấy Google Stadia đã rất gấp rút đến nỗi phải vội vã tung ra một platform chơi game không hoàn chỉnh. Chúng ta có thể hiểu rằng bọn họ cần chạy đua quắn đít với thời gian bởi cuối năm sau hai ông kẹ đúng nghĩa là PS5 lẫn Xbox Scarlett đều sẽ lần lượt trình làng thế nên cuối năm nay là khoảng thời gian tuyệt nhất nếu Google muốn ném đá dò đường, đánh giá tiềm năng, phục vụ fan hâm mộ hay làm bất cứ trò quỷ yêu gì mà bọn họ mong muốn. Nhưng làm gì cũng được miễn là nó hoàn chỉnh hay ít ra cũng không thể bị mắc nhiều lỗi nặng như đã liệt kê từ đầu đến giờ. Bọn họ có thể chờ đến sang năm, sau khi đã làm xong giao diện để người ta có thể xem Achievement mình đạt được lúc chơi game. Có thể chờ một thời gian nữa để đàm phán cho bằng được vài trò chơi độc quyền, hay dở chưa biết nhưng phải độc quyền cái đã rồi tính, đó là cách mà Sony đang thực hiện và thu được nhiều kết quả khả quan trong vài năm đổ lại đây.

Google Stadia có thể không như kỳ vọng nhưng streaming game vẫn là hướng đi của tương lai

Nếu như ai đó vẫn còn tin vào sự thần kỳ của Google thì hãy xem số lượt tải của Stadia (do Stadia không cung cấp ở Việt Nam nên hãy đổi sang vùng lãnh thổ khác) cùng đánh giá của chuyên gia phân tích dày dạn kinh nghiệm Jason Schreier của tạp chí Kotaku để mà ngưng hy vọng đi. Rõ ràng Google Stadia đã thất bại, ít nhất là vào thời điểm hiện tại nhưng cloud gaming chắc chắn là không. Chẳng phải tự nhiên mà các ông lớn như Sony, Microsoft và Valve đều ngắm nghía cẩn thận công nghệ này. Chưa kể bản thân Google, sau cú flop có thể coi là vô cùng mất mặt (chỉ đạt gần 200.000 lượt tải Stadia bất chấp cả núi tiền đã đổ vào), biết đâu họ sẽ tiếp tục bơm tiền để tập thói quen chơi game trên platform này cho đại chúng game thủ. Bạn sinh ra làm gì đã biết chơi game trên Steam đâu, do Gà Béo dụ dỗ bạn và sau này bạn lại dụ dỗ những đứa trẻ khác đấy. Epic Games Store cũng đang chơi cái trò đê tiện (nhưng đảm bảo vẫn khiến người ta sung sướng) này khi cứ miễn phí game hay liên tục, đến lúc nào đó khi đã thành thói quen thì mở launcher của Steam hay của Epic Games Store cũng có gì khác nhau đâu?

Cloud gaming không nhất thiết sẽ trở thành tương lai của ngành công nghiệp hái ra tiền này, biết đâu nó còn có thể trở thành hố sâu khiến các đại gia hao tiền tốn của không chừng. Lý do đơn giản thôi, vụ chơi game qua cloud này đòi hỏi băng thông quá mức khủng khiếp và bạn có chắc là đường truyền của mình đủ mạnh để chơi game trên Google Stadia mà không bị giật lag chứ? Nhưng cách đây hơn 20 năm khối người từng quả quyết rằng đừng có mơ tới viễn cảnh xem phim trực tuyến hay nghe nhạc online thật mượt mà không cần chờ hệ thống buffering. Giờ thì cứ để Spotify, YouTube hay Netflix cười vào mặt những kẻ mạnh miệng đó. Cũng đừng quên chiếc kính VR chơi game đầu tiên là Virtual Boy được Nintendo sản xuất năm… 1995 rồi fail sấp mặt, giờ thì sao? Nhà nhà VR, người người VR, thế thì cloud gaming cũng vậy thôi, các vấn đề bất cập của nó chủ yếu nằm ở công nghệ hiện tại chưa đáp ứng hoàn hảo để vận hành nhưng 10 năm hay thậm chỉ là 5 năm nữa thôi, ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra chớ?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e