Trò mèo của Linden Lab?
Second Life 1.6 được tung ra vào tháng 3/2005, đem lại khá nhiều tính năng mới và giao diện xây dựng mới cho game. Thật ra giao diện của game đã có nhiều thay đổi từ patch 1.2 trở đi, chẳng hạn thay đổi vị trí các nút bấm hay hình dạng các menu… nhưng 1.6 là phiên bản đem lại những thay đổi toàn diện và hoàn chỉnh nhất cho game thủ. Giao diện này ban đầu bị chê là hơi khó dùng nhưng sau một thời gian ngắn, game thủ Second Life đã quen thuộc với giao diện này và nó vẫn tồn tại trong Second Life cho đến tận ngày nay.
Trong khi game thủ Second Life làm quen với chuyện trốn thuế, Teen Second Life và giao diện mới, có một điều khá thú vị xảy ra bên ngoài Second Life nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến trò chơi. Với sự thành công của Second Life, một trang web là Gaming Open Market (GOM) – chuyên mua bán và trao đổi tiền ảo trong game online – nhanh chóng mở cửa dịch vụ mua bán Linden Dollar (L$) bằng USD. Tuy nhiên dịch vụ này chỉ tồn tại trong khoảng hơn một năm trước khi bị đóng cửa vào tháng 10/2005, bởi Linden Lab công bố rằng họ sẽ mở cửa nền tảng giao dịch tiền tệ riêng của mình, theo lời của cựu giám đốc GOM.
Tuy nhiên cũng vào thời điểm GOM công bố ngừng giao dịch tiền L$ với USD, một số nhân viên Linden Lab lại nói rằng thật ra GOM và Linden Lab đã ký hợp đồng để làm sàn giao dịch tiền ảo cho Second Life cho đến khi Linden Lab hoàn thiện sàn giao dịch của riêng họ. Họ cũng nói rằng Linden Lab đã bất ngờ chấm dứt hợp đồng sớm hơn 2 tháng so với dự kiến mà không thông báo trước cho GOM bởi doanh thu từ việc bán L$ giảm mạnh. Thông tin này được các nhân viên Linden Lab đăng tải trên diễn đàn của Second Life và ngay trong game. Bài đăng trên diễn đàn đã bị xóa, trong khi những nhân viên đăng tải thông tin này bị sa thải.
Chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó, sàn giao dịch Lindex được mở cửa và cho phép game thủ Second Life mua L$ ngay trong game một cách dễ dàng. Tuy nhiên game thủ vẫn không quên được GOM – ba chữ cái này được họ dùng như một thuật ngữ chỉ mọi hành vi bất ngờ của Linden Lab gây thiệt hại cho game thủ, hoặc “chuyển hướng” dòng doanh thu về mình kể từ thời điểm đó.
Triệu phú nhờ game
Đến tháng 12/2005, chỉ 3 tháng sau khi Linden Lab mở cửa Second Life miễn phí (với nhiều giới hạn khác nhau), trang tin CNN đăng tải một bài viết có nội dung phỏng vấn một nhân vật có tên Anshe Chung – được gọi là “Rockefeller của Second Life.” Bài viết này khiến độc giả của CNN tưởng rằng Second Life là một game tương tự như World of Warcraft, nơi họ có thể giết quái, nhặt tiền và đổi tiền ảo thành tiền thật, khiến một lượng lớn game thủ đổ xô vào Second Life. Những game thủ này nhanh chóng đối mặt với sự thật khi nhận ra rằng việc kiếm tiền trong Second Life đòi hỏi nhiều thời gian và công sức chẳng kém gì ngoài đời. Sự chênh lệch về “lý tưởng” với ‘hiện thực” trong Second Life tạo ra rất nhiều mâu thuẫn giữa game thủ cũ và mới của trò chơi.
Trong khi đó, Anshe Chung công bố mình là nhân vật đầu tiên kiếm được trên 1 triệu USD từ thế giới ảo vào tháng 5/2006 và khiến Second Life nổi tiếng hơn nữa. Điều này tạo ra một làn sóng di dân vào thế giới ảo mới, và cư dân thứ 1.000.000 gia nhập vào thế giới Second Life vào ngày 18/10/2006. Linden Lab đã tạo ra một con gấu nhồi bông Linden Bear để kỷ niệm sự kiện này.
Việc kinh doanh của Anshe Chung thật ra khá đơn giản: một công ty… cò đất chuyên xây dựng, buôn bán và trao đổi các loại tài sản ảo trong game để kiếm lời rồi đổi thành tiền thật. Công ty của nhân vật này thuê hơn 80 nhân viên toàn thời gian, chủ yếu là lập trình viên và họa sĩ. Việc của họ là xây dựng, trang trí cho hàng ngàn lô đất của công ty, và sau đó Anshe Chung sẽ bán hoặc cho thuê những lô đất này cho người khác. Trong số các khách hàng của công ty có những cái tên lớn nằm trong top 100 của Fortune và những tổ chức có ảnh hưởng lớn như chính quyền bang Baden-Wurttemberg (Đức) hay LifeChurch.tv. Việc kinh doanh của nhân vật này thành công đến mức công ty của Anshe được đầu tư từ các tổ chức tài chính bên ngoài. Sự thành công đó cũng đem lại cho họ một số kẻ ghen ghét, chẳng hạn trong cuộc phỏng vấn in-game với CNET vào tháng 12/2006, studio ảo nơi cuộc phỏng vấn diễn ra đã bị “đánh bom” bằng một cơn mưa… dương vật, buộc cuộc phỏng vấn phải hoãn lại để dời sang một địa điểm khác.
Những trò phá hoại
Vụ đánh bom cuộc phỏng vấn của Anshe Chung vào cuối năm 2006 chỉ là phi vụ phá hoại được biết đến rộng rãi nhất, chứ không phải là vụ việc duy nhất. Kẻ xấu đã phá hoại Second Life kể từ khi game còn đang thu phí, nhưng phải đến khi Linden Lab mở tính năng miễn phí vào tháng 9/2005 (với nhiều hạn chế so với tài khoản trả phí), việc phá hoại mới lên đến đỉnh điểm.
Trong giai đoạn đỉnh cao này, các trò quậy phá nở rộ với rất nhiều phương thức khác nhau. Những kẻ tầm thường cởi truồng chạy rong, ai có “hoa tay” thì xây dựng những công trình với bề ngoài tục tĩu và đăng tải lên MXH hay gửi hình ảnh của chúng đến các cơ quan truyền thông, trong khi dân chơi thứ thiệt phá hoại server game bằng những biện pháp kỹ thuật lợi dụng bug. Một trong số những lần phá hoại nặng nề nhất khiến toàn bộ các server của Second Life phải ngừng hoạt động trong suốt nhiều ngày liền. May mắn là các hoạt động phá hoại này lắng xuống sau một thời gian, khi những kẻ phá hoại bằng tài khoản miễn phí đã chán Second Life và rời khỏi trò chơi.
Đến tháng 10/2005, cập nhật 1.7 của Second Life được ra mắt. Đây chính là phiên bản đưa sàn giao dịch Lindex vào game để người chơi có thể chuyển đổi USD thành L$ và ngược lại. Nó cũng đưa một lỗi rất nghiêm trọng vào game là làm việc tải vân bề mặt rất chậm, thậm chí không hiển thị. Game thủ không thể thấy vân bề mặt trong suốt nhiều tuần liền, buộc game thủ Second Life phải nhìn mọi thứ xung quanh mình dưới hình dạng những khối nhựa xấu xí cục mịch và bóng loáng. Linden Lab cố gắng khắc phục vấn đề này trong suốt một thời gian dài, nhưng lỗi này tồn tại đến tận giữa năm 2006 mới được giải quyết dứt điểm.
Tháng 12/2006, Linden Lab tung ra patch 1.8 “xóa sổ” hệ thống Telehub cũ. Đây là một tính năng cho phép game thủ dịch chuyển tức thời từ nơi này sang nơi khác để tiết kiệm thời gian. Từ nay, các Telehub sẽ được chuyển đổi thành Infohub, một tụ điểm công cộng để game thủ gặp gỡ và giao lưu cũng như là nơi chào đón game thủ mới.
(Còn tiếp)
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.1
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.2
- Nguồn gốc của game: Second Life – P.3