Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.2 - PC/Console

Người giàu có vẫn có quá khứ nghèo hèn và những trò chơi bom tấn đôi khi cũng có một thời quá khứ “oanh liệt” mà không ai muốn nhớ đến.

Không có gì khó khăn để thừa nhận rằng, chẳng có định luật nào bắt buộc một tựa game được gắn mác AAA phải thành công ngay từ khi ra mắt. Có một thực tế là các game bom tấn vốn dĩ hay nhận được sự chờ đợi của cộng đồng người hâm mộ lẫn những lời tán dương của đám phê bình thiếu liêm sỉ. Tất cả những điều đó tạo ra một cảm giác giả tạo rằng cứ hễ game khủng do một NSX có tiếng tăm lớn đầu tư sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn hẳn nếu so sánh với một game indie vốn nhỏ.

Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.1
Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.1
Không phải nhà văn nào đoạt Nobel cũng có tác phẩm đầu tay xuất sắc và không phải cứ là game bom tấn thì chắc chắn sẽ có khởi đầu như mơ.

Dĩ nhiên đó chỉ là cảm giác và thực tế thị trường đã chứng minh rằng game indie cũng có cơ hội vươn mình thành bom tấn nếu nó thật sự hay kèm theo chút may mắn như Stardew Valley. Hoặc xét theo hướng ngược lại kiểu bom tấn được a dua o bế từ hồi còn nằm trong trứng kiểu Anthem vẫn có nguy cơ “tạch” nếu những lời thổi phồng của đám vô lương tâm kia chỉ là trò câu kéo sự chú ý. Hãy cùng xem qua những cái tên suýt chút nữa đã trở thành các “bom xit” sau ngày ra mắt nếu NSX không kịp thời sửa chữa sai lầm.

Battlefield 4 khiến EA vướng vào nhiều vụ khiếu kiện

Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.2

Battlefield 4 là cái tên biểu tượng mỗi khi người ta muốn ví dụ cho việc một tựa game bán được rất nhiều bản ngay từ trước khi trò chơi chính thức ra mắt nhưng sau đó chính fan hâm mộ lại không tiếc lời chỉ trích sản phẩm này. Theo hồi ức kinh hoàng của nhiều game thủ, khởi đầu của Battlefield 4 hoàn toàn là một mớ hỗn độn khi file save thường xuyên bị hư, còn trò chơi thì crash liên tục cứ như thể nó như chưa từng được crash lần nào trong đời. Nói chung những người chơi của BF4 không kiên nhẫn như GTA Online vì thế họ đã liên danh nhờ luật sư làm thủ tục khởi kiện EA. Kết quả của việc này chính là công ty luật Robbins Geller Rudman & Dowd LLP đã đệ đơn lên tòa án liên bang để khởi động vụ kiện nhằm chống lại Electronic Arts với cáo buộc rằng công ty đã đưa ra “những tuyên bố dối trá về chất lượng của sản phẩm” khi quảng cáo cho game bắn súng Battlefield 4. Chưa dừng lại ở đó, chính những cổ đông trong tập đoàn cũng tiến hành khởi kiện EA bởi họ cho rằng những tin tức tiêu cực mà Battlefield 4 đã làm sụt giá cổ phiếu khiến họ bị thiệt hại về kinh tế. Tất nhiên là EA… thắng cả hai vụ kiện này, dù không dễ dàng gì và ngay sau đó họ đã yêu cầu DICE ngưng lại hết mọi việc dang dở, kể cả vụ làm DLC cho BF4 để tập trung vào mông má lại con hàng Battlefield 4. Khả năng của DICE thì chắc dân mê bắn súng ai cũng biết rồi, khi họ thật sự tập trung thì thứ gì làm ra cũng có thể trở thành siêu phẩm chứ đừng nói cái vụ sửa lỗi cỏn con như thế này. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn thỏa nhưng bản Battlefield 4 ngon lành mà người ta biết bây giờ phải mất gần 2 năm mới có thể chính thức hoàn tất.

Halo: The Master Chief Collection và vấn đề chơi mạng

Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.2

Nhìn lại cái cách mà Halo: The Master Chief Collection được cải thiện sau nhiều năm, chúng ta càng thấm thía hơn câu nói bất hủ “không bao giờ là quá muộn để học cách sửa chữa sai lầm”. Hiện tại tựa game của Microsoft thường được đánh giá là chịu khó cập nhật tính năng mới thường xuyên, tìm trận đấu nhanh, đồ họa không quá lỗi thời. Nhìn chung đều là những đánh giá tích cực và hầu hết những người chơi qua đều khuyến nghị rằng đừng lăn tăn về việc nó ra mắt từ năm 2014 bởi đây là một trò chơi cực kỳ thú vị, kể cả đối với những người không biết Master Chief là ai. Tuy nhiên nếu quay ngược thời gian trở lại năm 2014, khi trò chơi vừa mới ra mắt, đây là một chuyện hoàn toàn khác biệt. Vấn đề lớn nhất của Halo: The Master Chief Collection nằm ở việc chế độ chơi mạng gần như không thể hoạt động một cách bình thường bởi hàng tá lỗi phát sinh như tìm trận cực lâu, mất cân bằng trong MMR hay thường xuyên mất kết nối máy chủ. Sau đó các vấn đề được chỉnh sửa dần và NSX cũng đã chuộc lỗi với game thủ bằng một số quà tặng nho nhỏ ví dụ như bản remastered của Halo: Reach được đưa vào Halo: The Master Chief Collection chẳng hạn.

Street Fighter V là một sản phẩm chưa hoàn chỉnh

Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.2

Loạt game Street Fighter là một tượng đài trong thể loại game đối kháng với hàng chục phiên bản khác nhau được ra mắt thế nhưng suýt chút nữa Street Fighter V đã trở thành kẻ phản đồ của gia tộc vì nhiều lý do. Vấn đề lớn nhất của trò chơi chính là việc chạy đua để kịp lịch phát hành khiến trò chơi trở nên bị tối giản hóa quá mức cần thiết. Trong lần ra mắt đầu tiên, tổng cộng chỉ có 16 võ sĩ trong danh sách và đây là một điều rất khó để người ta có thể chấp nhận bởi lúc đó là năm 2016 chứ không phải năm 1996. Bên cạnh dàn nhân vật ít ỏi, chế độ chơi đơn cũng bị thực hiện một cách vô cùng sơ sài, phản ánh rõ nét việc chạy đua cho kịp lịch ra game nên quyết định làm ẩu của NSX. Nhiều game thủ thậm chí còn phát hiện trong trò chơi có các mục có thể mở khóa nhưng dù đã hoàn thành xong các yêu cầu cần thiết họ vẫn không thể mở được mà phải chờ đợi bản cập nhật từ NSX. Sau khi bị người chơi chửi bới SML, Capcom ngay lập tức tỏ ra hối cải bằng cách tung một loạt DLC để bổ sung thêm nhân vật cũng như ra mắt bản Arcade Edition với nhiều cải tiến đáng kể về mặt đồ họa. Tất nhiên nếu so với các tựa game khác trong thương hiệu thì SFV vẫn là một cú vấp nhưng ít nhất nó đã giống một trò chơi hoàn chỉnh chứ không phải sản phẩm được làm ẩu sau đó vội vã tung ra để kịp với lịch ra mắt.

No Man’s Sky hay vẫn là No Man’s Buy

Những tựa game huyền thoại nhưng có khởi đầu tệ không tưởng – P.2

Trước khi ra mắt No Man’s Sky, Hello Games đã “nổ” banh nhà lồng khi quảng cáo rằng đây là một bom tấn chưa từng có trong lịch sử. Quả thật khi mới ra mắt trên thị trường, trò chơi ngay lập tức đã tạo nên một cơn sốt trên khắp thế giới. Với sức nóng của mình, No Man’s Sky dễ dàng vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng những tựa game đang hot nhất trên Steam. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, bộ mặt thật của No Man’s Sky đã nhanh chóng bị lật tẩy. Trò chơi này phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng cho đến những nhà chuyên môn. Với một lối chơi vô hồn, nhạt nhòa và lập đi lập lại, No Man’s Sky đã bị nhiều người ví như quả bom xịt lố bịch nhất của năm 2016. Với thất bại tủi hổ đó, tưởng chừng như sản phẩm này sẽ nhanh chóng lụi tàn và lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, trong muôn trùng khó khăn, nhà sản xuất của No Man’s Sky vẫn biết cách đứng dậy từ chính những sai lầm trong quá khứ. Lần lượt các bản cập nhật lớn hoàn toàn miễn phí như Next và Beyond ra đời, đã tạo ra một sản phẩm bình cũ rượu mới, một bom tấn đích thực mà người ta vẫn luôn mong đợi. Rốt cục thì No Man’s Buy đã trở thành No Man’s Sky nhờ vào sự cầu thị của đội ngũ sản xuất.