Bộ sưu tập tích cóp hàng bao nhiêu năm ròng của game thủ “xấu số” này đã “bay màu” trong phút chốc và phía “thủ phạm” còn buông lời cay đắng.
Nếu là một người có sở thích sưu tập, dù là tiền xu, cổ vật hay bất kỳ một vật dụng nào, chắc hẳn chúng ta đều hiểu giá trị của bộ sưu tập không chỉ nằm ở số tiền để có được mà còn nằm ở thời gian và công sức bỏ ra. Chưa kể, có những bộ sưu tập mà nhìn bình thường đối với người ngoài nhưng với dân trong nghề thì không khác gì một gia tài vô giá với những món đồ phiên bản giới hạn.
Như câu chuyện anh chàng game thủ có đam mê với việc sưu tập Gundam cách đây không lâu đã khiến giới mê Gundam nói riêng và cả những người biết được giá trị bộ sưu tập này nói chung không khỏi xót xa. Cụ thể, anh này đã có một bộ sưu tập trị giá hàng tỷ đồng sau nhiều năm ròng rã. Nhưng cuối cùng, tất cả bị “bay màu” chỉ vì những đứa trẻ từ trên trời rơi xuống.
Vì bà của nam game thủ này qua đời, nên họ hàng bà con lên viếng đông và căn hộ ở gần địa điểm tang lễ của anh trở thành nơi tụ tập nghỉ ngơi của dòng họ. Dù đã cẩn thận khóa kỹ căn phòng chứa bộ sưu tập của mình nhưng anh cũng không ngờ, con trai của người anh họ lại phá khóa được. Chẳng những vậy, cậu ta còn phá luôn cả đống đồ chơi của nam game thủ xấu số nọ. Tổng thiệt hại như nạn nhân ước tính lên tới 3,14 triệu yên (hơn 600 triệu VND). Đã vậy, cha của “thủ phạm” còn cho rằng anh chàng tội nghiệp là kẻ lừa đảo, cố tình “thổi phồng” giá trị của mấy món đồ chơi này.
Tuy nhiên, tất cả đã phải câm nín khi anh chàng đưa bằng chứng là giá của những món đồ trên Amazon. Dù sau đó cũng nhận được 4 triệu yên (khoảng 800 triệu VND) tiền bồi thường nhưng tất cả công sức bao năm trời đã đổ sông đổ bể và nhất là, với những bộ sưu tập hàng hiếm như thế này, thì có tiền cũng không giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây chính là thái độ của vị phụ huynh – người anh họ trong bài. Đành rằng không biết được giá trị của bộ sưu tập, nhưng việc làm hư hại tài sản của người khác là chuyện tuyệt đối phải tránh. Chưa kể, cậu con trai kia còn cố tình phá khóa phòng của người khác, vốn không khác gì cách làm của phường trộm cắp.
Bộ sưu tập đã hư hại là một chuyện nhưng qua câu chuyện cũng thấy được cách dạy con của một bộ phận phụ huynh vẫn còn quá cổ hủ, lạc hậu. Họ không nhận sai về con mình mà tìm cách lấp liếm, ngụy biện dưới câu nói “cháu nó biết gì đâu” một cách sáo rỗng để rồi xã hội phải gánh vác hậu quả cho thói giáo dục sai lầm.