Overwatch 2 bị DDoS khi vừa mới phát hành

Mike Ybarra, chủ tịch của Blizzard thông báo với cộng đồng Overwatch 2 về tình trạng máy chủ đang bị tấn công bằng DDoS.

Thật không may, chúng ta đang gặp phải đợt tấn công từ chối dịch vụ hàng loạt (DDoS) trên các máy chủ. Các kỹ sư đang chăm chỉ làm việc để giảm thiểu/kiểm soát tình trạng tồi tệ này. Đây có thể là lý do gây ra các vấn đề về mất kết nối mà các bạn đang gặp phải.

Overwatch 2 vừa mới được phát hành miễn phí cách đây ít giờ (4/10), nhiều người đã báo lỗi rằng họ đã phải chờ quá lâu để đăng nhập vào trò chơi. Chưa dừng lại ở đó, những người đã vào game thì gặp phải một số sự cố khác như thiếu lịch sử trận đấu, lỗi góc nhìn, skin cập nhật không đầy đủ. 

Ai đó đã cố gắng tấn công vào một tựa game lớn như Overwatch 2 là một điều bất thường. Tuy nhiên những nỗ lực của kẻ xấu bước đầu đã thành công, máy chủ của Overwatch 2 đã không hoạt động bình thường và nhiều game thủ gặp nhiều khó khăn trong việc trải nghiệm game. Sáng ngày 5/10 theo giờ Việt Nam, Overwatch 2 tạm ngừng hoạt động và chưa biết bao giờ sự cố mới xử lý xong.

Trước khi phát hành game, Blizzard đã cẩn trọng đưa ra quy trình đăng ký, tải game khắt khe để chống lại sự tấn công vào máy chủ và phòng chống tệ nạn hack trong game. Theo đó, game thủ cần phải tải game thông qua phần mềm Battle.net và cung cấp số điện thoại thật để xác nhận người dùng thật. Tuy nhiên hacker đã cao tay hơn và đánh sập được hệ thống server của game.

Có thể bạn muốn xem thêm: Lần đầu tiên lộ diện, MineCraft Streamer nhận ngay gần 2 triệu lượt like trên Instagram

Overwatch 2 là thuộc thể loại FPS miễn phí thay thế hoàn toàn người tiền nhiệm Overwatch 1 ra đời từ 2016 trên PC, PlayStation 4, Xbox One và đến cuối năm 2019 tựa game này đã cập bến Nintendo Switch. Phần thứ 2 sẽ chơi được trên các hệ máy hiện đại nhất bây giờ là PC, PlayStation 5, Xbox Series X/S.

Dành cho ai chưa biết, DDoS là cụm từ viết tắt của Distributed Denial of Service nghĩa là từ chối dịch vụ phân tán, máy tính của bạn bị tấn công với lượng truy cập khổng lồ từ nhiều hệ thống khác nhau ở nhiều nơi khác nhau. Việc này nhằm mục đích đánh sập máy tính, server (máy tính mục tiêu sẽ bị gián đoạn hoặc ngừng cung cấp dịch vụ).