Trầm cảm vì làm nghề kiểm duyệt nội dung độc hại cho TikTok nhưng chỉ nhận hơn 70 nghìn/giờ

Công việc căng thẳng và gây ảnh hưởng tâm lý nhưng phúc lợi ít ỏi khiến nhiều nhân viên làm cho TikTok chán nản. 

TIN LIÊN QUAN

Imani, 25 tuổi, là một người kiểm duyệt nội dung của TikTok ở Maroc. Cô được làm việc tại nhà và được trả khoảng 2 USD/giờ (~ 46 nghìn đồng) để xem các video TikTok và báo lại cho cấp trên nếu nhận thấy video có yếu tố độc hại.

Với một cử nhân có bằng tiếng Anh như Imani, ức lương nghe có vẻ ít, nhưng cô nhận việc vào năm 2020 – thời điểm đại dịch khiến tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Chồng cô là một kỹ sư nhưng cũng chật vật tìm việc trong khoảng thời gian này. Do đó, Imani hài lòng với mức lương, một phần nữa là do công việc này cho phép cô có thời gian ở nhà chăm sóc con gái. Cô làm việc cho bộ phận Trung Đông và Bắc Phi của TikTok thông qua Majorel, một công ty gia công phần mềm ở Luxembourg.

Việc phải dành cả ngày tiếp xúc với những video độc hại khiến người kiểm duyệt TikTok bị ám ảnh tâm lý trong thời gian dài

Trong 2 năm làm việc, Imani phải đối mặt với những video ám ảnh hàng ngày. Cô nhớ nhất một video bị tung lên không trung và bị xiên qua bởi một thanh kiếm:

“Tôi yêu mèo. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được mình sẽ nhìn thấy một cảnh như vậy ngoài đời. Đó không phải là một bộ phim. Đó không phải là một trò đùa. Đó là sự thật. Tôi cố tạo ra một bức tường ngăn cách cuộc sống và công việc. Sau ca làm thì tôi không nghĩ gì về công việc nữa, tôi còn phải chăm sóc một đứa con”.

Imani đã không lường trước được làm việc cho TikTok sẽ gây tổn hại tâm lý đến vậy, và cô không đơn độc. Tờ Bussiness Insider ghi nhận 9 nhân viên kiểm duyệt nội dung cho TikTok ở Maroc cũng trải qua những vấn đề tương tự.

Wisam – từng là một nhân viên kiểm duyệt nội dung và hiện đang đào tạo cho những người mới cho TikTok chia sẻ: “Điều tệ nhất trong công việc này là bạn không thấy tệ đi từ từ – bạn thậm chí còn không nhận ra nó. Bạn nghĩ rằng đây không phải vấn đề lớn, nhưng (video độc hại) thực sự có ảnh hưởng đến bạn”.

Trước TikTok, Wisam là một nhà kiểm duyệt nội dung kỳ cựu của Facebook. Ông nói rằng mặc dù người kiểm duyệt nội dung của Facebook tiếp xúc với nhiều video và bài đăng đồ họa hơn vì cơ sở người dùng lớn, khi TikTok trở nên phổ biến hơn, số lượng nội dung độc hại cũng sẽ sớm tăng lên.

Do lượng người dùng tăng trưởng quá nhanh, TikTok đang mở rộng các đợt tuyển dụng tại những thị trường mới nổi ở châu Á, châu Phi,… Một trong những vị trí được tuyển nhiều nhất là nhân viên kiểm duyệt nội dung.

Để chuẩn bị cho nguy cơ này, ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã tăng cường tuyển các lao động ở các quốc gia đang phát triển. Một cựu cố vấn của Majorel ước tính rằng đang có 1.400 người kiểm duyệt nội dung cho TikTok trên khắp Maroc. Wisam cho biết họ đã đào tạo hơn 700 người điều hành mới kể từ năm 2020.

Dù TikTok có áp dụng trí thông minh nhân tạo để xem xét nội dung, nhưng công nghệ này không quá hiệu quả ở những quốc gia không nói tiếng Anh. Vì vậy họ phải vẫn thuê nhân viên số lượng lớn để kiểm duyệt. Thế nhưng nhiều nhân viên tỏ ra không hài lòng với cách công ty vận hành.

Samira, 23 tuổi, gia nhập Majorel vào tháng 7 năm 2020 và tham gia vào chương trình thử nghiệm kiểm duyệt TikTok Lives.

Lúc đầu, cô ấy được giao nhiệm vụ xem 200 video mỗi giờ trong khi duy trì điểm chính xác là 95%. Nhưng ba tháng sau khi làm việc, người quản lý của cô tăng các chỉ số đó lên đến mức cô chỉ có 10 giây để xem lại mỗi video.

“Ban quản lý không coi chúng tôi là con người mà là những robot”, Samira nói.

Nhiều nhân viên kiểm duyệt nội dung TikTok khác cũng nói với Business Insider rằng mục tiêu như vậy là không thể thực hiện được. Khi họ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, họ sẽ bị khiển trách và bị tước đi khoản tiền thưởng 50 USD (~ 1,1 triệu đồng) bằng tiền mặt.

Trước những cáo buộc trên, người phát ngôn của Majorel phản hồi rằng các chỉ số KPI chỉ mang tính chất hướng dẫn, không phải mục tiêu bắt buộc đạt được.

Nhiều nhân viên TikTok tố họ bị áp các KPI không thể thực hiện được và yêu cầu công việc ngày càng cao trong khi lương thưởng chưa có nhiều thay đổi

Mặc dù vậy, các thông tin cho thấy người kiểm duyệt TikTok ở Majorel cũng bị phân biệt đối xử so với các đồng cấp tại Mỹ. Ở Mỹ, nhân viên kiểm duyệt được nghỉ 3 lần, cộng thêm thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ. Ở chiều ngược lại, nhân viên Maroc chỉ nhận được tổng thời gian nghỉ giải lao khoảng 40 – 45 phút nếu không tính thời gian nghỉ trưa dài 1 giờ.

Một vài nhân viên cũng tố cáo Majorel không nhất quán trong lịch làm việc.

“Đôi khi tôi bắt đầu vào buổi trưa, và tôi không thể ngừng làm việc cho đến nửa đêm. Tôi phải làm việc 12 tiếng liên tục”, Imani nói.

Chưa dừng lại ở đó, người quản lý của Imani còn thường thêm hoặc chuyển ca trong lịch trình của cô mà không thông báo trước. Imani không còn nhiều thời gian để chăm sóc con và chấp nhận rời bỏ công việc.