Với nhiều người thì vấn đề quan tâm của họ trong Final Fantasy VII Remake là Aerith liệu có đi tong một lần nào nữa, Square Enix có tiếp tục bóp thẳng vào tim của người hâm mộ một lần nữa với mức độ còn tàn bạo gấp 10. Nhưng có một vấn đề khác mà ít người để ý, đó là liệu Aerith có tiếp tục hành trình phá nát cái game này hay không, khi mà cái Limit Break thần thánh Great Gospel có bị xóa luôn cho rảnh nợ.
Trong Final Fantasy VII thì không phải Cloud cũng không phải Tifa hay bất cứ ai khác, mà chính Aerith mới là nhân vật bá đạo nhất. Bạn có thể luyện cấp, luyện material và bất cứ thứ gì khác cũng không bao giờ đạt tới đẳng cấp đao thương bất hoại bách độc bất xâm, bật Kim Chung Trạo 12 tầng kháng mọi sát thương vật lý lẫn phép thuật như Great Gospel của Aertih được. Khi sử dụng Great Gospel, toàn bộ party sẽ ở trong trạng thái bất tử và hồi toàn bộ máu, đúng nghĩa là hóa thành thần luôn chứ không còn là người nữa.
Nhiều người nói rằng Aertith chết đi để tạo drama cho game, để viết nên một cốt truyện bất hủ trường tồn với thời gian. Nhưng thực tế có lẽ là sau khi tạo ra cái Limit Break củ bựa Great Gospel và bắt đầu test game, các lập trình viên của Square thời đó đã thầm cảm thấy hỏng bét rồi vì cái thứ này rõ ràng không nên tồn tại. Hãy thử tượng tượng nếu như Aerith không chết đi thì mọi con trùm trong game sẽ sống kiểu gì, khi người chơi sẽ lạm dụng cái Great Gospel tới nóc, méo cần Limit Break méo cần Knights of Round và cả 2 con Ruby lẫn Emerald Weapon khác quái gì gà chờ để làm thịt.
Một cái Limit Break phá game như vậy chắc chắn không thể tồn tại trên cõi đời này được, vào cái thời mà khái niệm patch cập nhật theo thời gian còn chưa xuất hiện, cách duy nhất các nhà phát hành sửa chữa là làm nhân vật đó chết đi hoặc cố tình không cho nó xuất hiện nữa (giống như Capcom xử lý G-Virus). Vậy nên Aerith là nạn nhân của việc buff sức mạnh quá đà, khi em phải bị Sephiroth đâm lòi ruột là điều chắc chắn.
Trong lịch sử các game Final Fantasy không thiếu những kỹ năng dạng phá game giống như Great Gospel của Aerith, chúng ta có thể kể tới hàng đống như FF 8 thì là The End, FF9 có Zantetsuken và bá đạo vũ trụ nhất phải kể tới Zanmato trong FF 10. Những thứ này phá game siêu kinh hồn khi bọn chúng bẻ gãy mọi định luật về luyện cấp, mang đồ hay phối hợp party mà chỉ cần một chút may mắn cùng mánh khóe, con trùm nào cũng sẽ phải về chầu ông bà hết.
Thông thường thì các kỹ năng dạng giết chết đối thủ ngay lập tức sẽ không thể dùng lên trùm, nhưng các lập trình viên của Final Fantasy có lẽ đã nghĩ khác và bọn họ bỏ luôn cái giới hạn này. Tôi vẫn còn nhớ cảnh tượng những đại hiệp cầm Selphie chơi trò bật nắp đĩa máy Ps1 để roll The End vô hạn hoặc vừa vào trận đột nhiên Odin nhảy ra cầm kiếm cắt đôi đối thủ, tới FF 10 thì mọi thứ còn mất kiểm soát hơn với tiết mục Zanmato – khi mà bạn thậm chí còn chẳng thèm luyện cấp, mà chỉ cần vào trận với Yuna có Overdrive gọi ra Yojimbo rồi đùng một cái, mọi thứ biến mất trong hư vô câm lặng.
Những kỹ năng phá game này đều có điểm chung là nó bỏ qua cấp độ, bỏ qua trang bị và đương nhiên là cũng chẳng cần biết trùm tréo gì hết, cứ xuất hiện là mọi thứ bay màu sạch sẽ. Về cơ bản thì cũng chẳng hiểu tại sao Square lại tạo ra những kỹ năng như vậy (ngoại trừ để phục vụ các game thủ thích speedrun), vì chúng phá vỡ tất cả quy luật trong game cũng như cái tinh túy nhất của dòng Final Fantasy là cày cuốc như điên.
Nhưng tất cả những thứ kể trên còn xa mới bằng được Great Gospel của Aerith vì ít nhất chúng vẫn còn thuộc phạm trù hên xui, trong một ngày xấu trời bạn có thể phải load cả chục lần trước khi Yojimbo chịu mở cái nắp kiếm ra mà chém Zanmato. Nhưng Great Gospel nguy hiểm hơn ở chỗ là nó làm game mất cân bằng nghiêm trọng, vì dù sao cái trò The End hay Zanmato vẫn có điểm hại là nó khiến game thủ mau chán vì dễ quá, nên hầu hết mọi người chỉ biết tới nó rồi để đó cho vui, chứ hiếm khi lạm dụng để giết trùm.
Nhưng Great Gospel thì khác, nó không phải kỹ năng Instant Kill và bạn vẫn phải điều khiển party của mình để chiến đấu. Điều này làm cho cán cân sức mạnh giữa trùm với người chơi có sự chênh lệch, tức là bạn vẫn vào đánh nhau nhưng cảm giác là độ khó bị giảm đi phân nửa, người chơi vẫn có cảm giác mình thực sự đánh thắng trùm rồi (chứ không ăn gian như mấy kĩ năng kia). Great Gospel của Aertith làm game bị nhạt đi nhiều cũng như khiến trải nghiệm không đúng đường mà nhà phát hành đề ra, một con trùm cuối của cuối như cặp đôi song sát Weapon không phải là thứ mà bạn vào spawn Great Gospel rào rào để hành nó ra bã được.
Vậy nên vấn đề mà tôi quan tâm nhất khi Final Fantasy VII Remake ra mắt không phải ngực Tifa còn to hay không, mà là Aerith sẽ đóng vai trò gì trong party, một healer và support bình thường hay lại tiếp tục là thần thánh không thuộc cõi phàm với kỹ năng phá game số 1 mọi thời đại Great Gospel đây.