Darksiders Genesis là kẻ nối nghiệp “chính thống” của dòng game Darksiders, ngay cả khi trò chơi sử dụng một góc quay camera hoàn toàn khác biệt.
Khi lần đầu biết về Darksiders Genesis, Mọt tui cảm thấy đây có lẽ là một trò chơi spin-off của dòng game Darksiders bởi góc quay camera từ trên cao hoàn toàn khác biệt với những tựa game được đánh số 1 2 3 của series này. Ấn tượng đó đã hoàn toàn thay đổi khi tác giả được tận tay chạm vào trò chơi: Darksiders Genesis là một tựa game Darksiders “chính thống,” dù nó mang một vẻ ngoài khác hẳn với các bậc đàn anh.
Bối cảnh và cốt truyện
Nếu bạn chưa biết về Darksiders, đây là một dòng game được studio Vigil Games xây dựng dựa trên các truyền thuyết và nhân vật xuất hiện trong Kinh Thánh, nhưng được gia công lại bằng trí tưởng tượng của những người làm game. Các nhân vật xuất hiện trong trò chơi đều được tạo hình theo phong cách cartoon Mỹ bởi Joe Maduireira, một họa sĩ truyện tranh kiêm nhà phát triển game từng làm việc trong vai trò giám đốc sáng tạo của Vigil Games. Tất cả các phiên bản của series đều được biết đến với gameplay đậm chất hành động, một cốt truyện được cố ý “lên gân” nơi các nhân vật đều ngầu ngụa, bá đạo và âm mưu xoay trời, chuyển đất bằng thực lực của mình. Thế giới của Darksiders vừa đen tối lại vừa tươi sáng, bởi của game luôn khai thác những âm mưu quỷ kế giữa đủ loại thiên thần, ác quỷ và những tổ chức cổ xưa, trong khi sử dụng phong cách hoạt hình và tông màu sáng, sặc sỡ để không tạo cảm giác nặng nề cho game thủ. Đây là một sự kết hợp có phần lạ lùng, nhưng lại thể hiện sức cuốn hút một cách kỳ lạ qua cả bốn bản game.
Về mặt cốt truyện, Darksiders Genesis là một prequel chính thức của Darksiders 1, tức những gì xảy ra trong tựa game này lấy mốc thời gian trước khi các sự kiện trong Darksiders 1 diễn ra. Bạn sẽ đi cùng War và Strife – hai trong số bộ tứ Kỵ Sĩ Khải Huyền – trong cuộc hành trình ngăn chặn âm mưu phá hoại sự Cân Bằng theo lệnh của Charred Council (tạm dịch là “hội đồng cháy bỏng”). Theo những gì mà War và Strife được biết, kẻ khởi động âm mưu này và cũng là đối thủ chính của bạn trong trò chơi là chúa quỷ Lucifer Lucy, theo cách gọi của Strife. Để ngăn chặn âm mưu của Lucy, game thủ sẽ phải tham gia vào cuộc chiến với cả thiên thần lẫn ác quỷ, khám phá những địa danh chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng và chứng kiến sự ra đời của Bảy Phong Ấn (Seven Seals) để bảo vệ thế giới của con người.
Gameplay lạ mà quen
Trong Darksiders Genesis, game thủ sẽ được gặp lại War và làm quen với Strife, một bộ đôi “không thể nào phù hợp hơn” cho nội dung của trò chơi. Nếu như War là một anh chàng nghiêm túc không biết đùa, hết mình vì công việc, sẵn sàng đáp trả trò đùa gõ cửa (knock knock) bằng cách… đập cửa xông vào thì Strife lại là một nhân vật vô cùng hài hước và là nguồn gốc của những trò đùa hay các đoạn hội thoại thú vị trong game. Anh cũng là một sự bổ sung hoàn hảo cho War về mặt lối chơi, bởi trong khi War là gã to con, nặng nề và thích lao thẳng vào mặt kẻ địch để tung ra những nhát chém kinh hoàng với thanh kiếm Chaoseater thì Strife lại là một nhân vật nhỏ con, nhanh nhẹn, yêu thích chiến đấu từ xa bằng cặp súng lục Mercy & Redemption của mình. Và điều đặc biệt là bạn có thể chơi co-op để cả hai nhân vật cùng xuất hiện trên màn hình, hoặc chuyển đổi qua lại giữa hai người chỉ bằng một nút bấm mà không chịu bất kỳ hạn chế nào trong quá trình solo.
Đừng để góc nhìn từ trên cao tương tự Diablo của Darksiders Genesis đánh lừa bạn: nó không phải là một tựa game loot đồ kiểu Diablo mà vẫn giữ nguyên gameplay đậm chất hành động quen thuộc với những ai đã từng chơi qua hai phiên bản Darksiders đầu, nhưng bổ sung thêm chút gia vị của Darksiders 3. Lối chơi của Darksiders Genesis đòi hỏi một chút phản xạ, một chút chính xác và khả năng canh thời gian (timing) của game thủ, nhưng không đến mức nặng nề như Dark Souls. Game cũng có nhiều mức độ khó khác nhau, từ Casual đơn giản nhất cho những ai muốn khám phá cốt truyện của trò chơi đến Apocalyptic “hành xác” chỉ được mở khóa khi bạn đã hoàn tất trò chơi lần đầu. Nếu muốn hoàn tất toàn bộ nội dung game ở Apocalyptic, có thể bạn sẽ mất khoảng 20 giờ cộng thêm khoảng 10 giờ ở lần chơi đầu tiên.
Hệ thống phát triển nhân vật của Darksiders Genesis tỏ ra rất khác biệt với các tựa game chặt chém khác trên thị trường, khi hoàn toàn loại bỏ yếu tố cấp bậc – bạn sẽ không bao giờ “level up” hay cộng chỉ số trong quá trình chơi. Thay vào đó, War và Strife sẽ dần mạnh lên khi hạ gục các đối thủ và nhặt được các Creature Core, một vật phẩm được dùng để lắp vào các slot trên bản đồ kỹ năng của từng nhân vật. Creature Core được chia làm hai loại Minor (nhỏ) rơi từ lũ quái thường một cách ngẫu nhiên, và Major (lớn) chắc chắn rơi ra từ boss hoặc miniboss. Chúng lại được chia làm ba loại chính: Tấn Công, Phẫn Nộ và Máu; đem lại cho bạn nhiều kỹ năng hoặc hiệu ứng khác nhau, và có thể được cường hóa bằng cách nhặt thêm những Core cùng loại. Các Core và bản đồ kỹ năng này cho phép game thủ build cho Strife và War theo nhiều hướng khác nhau, đồng thời cho phép bạn thay đổi cách build nhân vật bất kỳ lúc nào nên việc thử nghiệm cách build luôn là một điều rất thú vị.
Các Core này còn có thể được nâng cấp bằng cách nhặt thêm Core cùng thể loại, và đây chính là phần cày cuốc của game. Thế nhưng Darksiders Genesis không bắt buộc game thủ phải bỏ quá nhiều thời gian cày để có thể đối phó với kẻ thù nếu kỹ năng của bạn đủ cao: cả War lẫn Strife đều có các kỹ năng né tránh, đỡ đòn mà bạn có thể sử dụng để thoát khỏi sát thương từ đòn tấn công của trùm, một điều đáng hoan nghênh. Dĩ nhiên là việc cày Core sẽ giúp cuộc chơi dễ dàng hơn rất nhiều bởi sát thương của nhân vật có thể thay đổi từ “gãi ngứa” cho trùm đến làm thịt chúng sau một lần “hóa Chaos” cộng thêm vài nhát kiếm hoặc phát đạn, trong khi việc dọn quái có thể trở nên đơn giản hơn nhờ các hiệu ứng tăng tầm đánh hay tỉ lệ kích hoạt nội tại…
Không một tựa game Darksiders nào lại thiếu phần giải đố, và Darksiders Genesis không phải là ngoại lệ. Việc chuyển từ góc nhìn thứ ba sang góc nhìn trên cao đem lại cho đội ngũ phát triển khả năng tạo ra những câu đố mới cho trò chơi ngoài việc “đi đến A, làm chuyện B,” chẳng hạn nay bạn có thể dùng chiếc boomerang của War (gọi là Vorpal Blade) để truyền lửa từ nơi này sang nơi khác, thắp sáng các chậu than hoặc kích hoạt bom… Tính năng leo trèo bay nhảy cũng trở lại trong Darksiders Genesis, tuy nhiên bởi góc quay camera thay đổi, việc xác định vị trí hạ cánh của từng lần bay nhảy là khá khó khăn và không ít lần khiến Mọt tui rơi thẳng xuống vực sâu. May mắn là War và Death không bị trừng phạt quá nặng nề khi “té núi” mà chỉ mất chút ít máu, thứ bạn có thể kiếm lại dễ dàng khi kết liễu lũ quái trong game.
Nhìn chung, phần gameplay của Darksiders là một trải nghiệm thú vị và cân bằng giữa khám phá, giải đố và chiến đấu – bạn vừa được thể hiện IQ, vừa được thể hiện kỹ năng bay nhảy và chặt chém nên không tạo ra cảm giác nhàm chán khi cứ phải làm mãi một việc trong một thời gian dài.
Bug và tối ưu hóa
Một rắc rối nhỏ mà Mọt tui gặp phải khi trải nghiệm Darksiders Genesis là việc game không đặt bất kỳ dấu hiệu nào đại diện cho game thủ trên bản đồ, khiến việc xác định vị trí của nhân vật khá khó khăn mỗi lần cần tìm kiếm các vật phẩm mình bỏ sót. Dù bạn có thể định vị bằng các cột mốc trên đường như cột summon người chơi khác, các cánh cửa hay đồng xu Boatman Coin, đây vẫn là một phiền nhiễu không đáng có và lẽ ra nên được khắc phục ngay lập tức, nhưng đến thời điểm bài viết này được thực hiện – một tuần sau khi game phát hành và bản patch đầu tiên đã được tung ra, nó vẫn tồn tại dù nhiều game thủ đã đưa ra ý kiến.
Vấn đề thứ hai nằm ở hệ thống phím bấm của game nhưng có thể được khắc phục dễ dàng. Do trò chơi được thiết kế cho tay cầm điều khiển, cách bố trí phím bấm mặc định của game không thật sự thuận tay và có thể khiến War và Strife “sấp mặt” nhiều lần khi gặp số lượng lớn quái hoặc các con trùm có nhiều AOE. Vì vậy nếu chơi bằng chuột + bàn phím, Mọt khuyên bạn nên chuyển nút né tránh sang phím Space và chuyển nhảy sang Shift hoặc Control, đồng thời chuyển các phím tấn công tầm gần / tầm xa, ngắm bắn và khóa mục tiêu sang chuột. Bạn sẽ mất một ít thời gian để làm quen với việc không nhảy bằng phím Space, nhưng nó giúp bạn né tránh theo nhiều phương hướng thuận tiện hơn và dễ dàng hơn hẳn.
Theo những gì Mọt được thấy trên diễn đàn của Steam và subreddit của game, trò chơi cũng có một vài vấn đề khác như crash, âm lượng không ổn định (tiếng các đòn kết liễu của War quá to) hay số lượng Health Shard của Strife có trong game không đủ dùng, nhưng chúng khá hiếm gặp (ít nhất là Mọt tui chưa crash lần nào khi chơi) hoặc đã / đang được khắc phục. Trong khi đó, đồ họa của game khá đơn giản và nhẹ nhàng nhưng vẫn đẹp mắt, và hoàn toàn không bị giật hình ngay cả trên một card đồ họa GTX 1050 tầm trung. Vì vậy, có thể nói rằng trò chơi được tối ưu hóa tốt và đem lại cho game thủ một trải nghiệm mượt mà.
Lời kết
Sau một Darksiders 3 không hấp dẫn như mong đợi, Darksiders Genesis là một bất ngờ thú vị cho Mọt tui bởi trò chơi thực sự đem lại cảm giác quyền năng lẫn sự thử thách cần thiết, và có sự phối hợp mượt mà giữa gameplay, hình ảnh và độ khó. Đây là một tựa game xứng đáng để thưởng thức trong những ngày rảnh rỗi dịp cuối năm, đặc biệt là nếu bạn từng chơi qua hai bản Darksiders đầu tiên và yêu thích gameplay của chúng.
Cấu hình tối thiểu:
- Hệ điều hành: Windows 7, 8, Windows 10 (64 bit)
- CPU: AMD FX-8320 (3.5 GHz) / Intel i5-4690K (3.5 GHz) or better
- RAM: 4 GB
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 960
- DirectX: Phiên bản 11
- Ổ cứng trống: 15 GB