Về cơ bản Mọt tui không phải là fan hâm mộ trung thành của thể loại rogue-like nhưng chắc chắn sẽ không từ chối cơ hội trải nghiệm thử một game thuộc dạng này bởi có nhiều game thuộc thể loại này khá lôi cuốn và không kén người chơi như Dead Cells, Darkest Dungeon hay Into the Breach. Trong quá trình trải nghiệm mọi thứ mà bản thân cho là thú vị Mọt tui đã có dịp chạm trán với một game có cốt lõi là rogue-like nhưng bề ngoài lại giống Legend of Zelda quá chừng mang tên Sparklite. Tất nhiên không giống kiểu Zelda tân thời như Breath of the Wild hoặc ám ảnh như Majora’s Mask, nói một cách chính xác Sparklite chịu ảnh hưởng cực lớn từ các huyền thoại như A Link to the Past, The Minish Cap, và đặc biệt là Link’s Awakening.
Góc nhìn của người chơi theo dạng top-down, chuyển cảnh khi đụng vách tường, thiết kế bản đồ theo từng khối chữ nhật và đặc biệt là đồ họa pixel art không lẫn vào đâu được. Tất cả những điểm đó khiến Sparklite thoạt nhìn cứ như một người huynh đệ thất lạc lâu năm mà tựa game do Nintedo sản xuất mới nhận lại được. Tất nhiên trò chơi của Red Blue Games cũng có những yếu tố đặc trưng riêng và một trong những điều khiến người ta thích nhất hẳn là cơ chế tạo bản đồ ngẫu nhiên mỗi khi nhân vật chính lỡ bỏ mình. Cứ mỗi lần khám phá lại, các bản đồ sẽ được làm mới hoàn toàn. Nếu từng đọc qua các bài viết trước đây của tui hẳn bạn sẽ biết Sin Slayer được đánh giá cao như thế nào và một trong những điều khiến nó xứng đáng với lời ca ngợi đó chính là cơ chế bản đồ đổi mới ngẫu nhiên.
Nhân vật chính của Sparklite là Ada, một nhà thám hiểm cừ khôi có khả năng sử dụng thành thạo các dụng cụ lẫn trang bị trong quá trình phiêu lưu mạo hiểm. Ada cùng nhiều nhà thám hiểm khác đóng trại ở The Refuge một khu căn cứ trên không và thường xuyên tổ chức những cuộc “khai hoang” xuống Geodia vùng đất hỗn loạn ở bên dưới. Để giải thích cho việc bản đồ bị thay đổi ngẫu nhiên mỗi lần tổ chức thám hiểm, các NSX đã giả định rằng Geodia là một nơi cực kỳ không ổn định do các trận động đất diễn ra thường xuyên thế nên cứ mỗi lần đáp khinh khí cầu xuống đều là một lần khám phá hoàn toàn mới lạ. Dù không ổn định nhưng ít nhất Geodia cũng như The Refuge có một điểm bất biến đó là thế giới vận hành xung quanh một đơn vị năng lượng có tên nguyên tố sparklite.
Mọi hoạt động thường nhật đều cần sparklite làm năng lượng, mọi vật phẩm được chế tạo đều cần sparklite làm nguyên liệu phụ gia. Thậm chí đơn vị tiền tệ cũng là sparklite, đó cũng chính là lý do vì sao Ada rất hay “chết” khi thám hiểm nhưng hết lần này đến lần khác, sau khi hồi phục cô ta lại ngồi khí cầu đáp xuống Geodia săn lùng sparklite. Là kẻ thám hiểm già đời, tất nhiên Ada cũng có đủ kỹ năng để không bó tay chịu trói trước mấy con quái dữ dằn tại Geodia. Sử dụng chiếc búa hammer làm vũ khí, Ada có thể tấn công cận chiến rất nhanh nhưng sát thương trung bình hoặc gồng vài giây để sát thương cao hơn nhưng cô ta sẽ không thể lướt đi. Nhìn chung cơ chế chiến đấu khá thú vị, đôi khi tỏ ra khó khăn quá mức cần thiết bởi ban đầu khi chưa nâng cấp gì cả, nhân vật chính chỉ có 3 giọt máu, đồng với việc bị quái chạm trúng 3 lần sẽ phi thăng về The Refuge ngay tắp lự.
Cơ chế chiến đấu khá ngặt nghèo nhưng được cái Sparklite không trừng phạt người chơi mỗi khi họ ngủm củ tỏi, ngoại trừ việc trang bị phụ trội lượm trên đường sẽ rớt hết cũng như nhiệm vụ đã nhận trước đó mất sạch. Đây là một quá trình tương đối cân não. Bạn nhận một nhiệm vụ có phần thưởng khá ngon, bạn đã gần đến nơi giao nhiệm vụ nhưng trên đường đến đó lại cố gắng mở bản đồ chút đỉnh ở vùng đất kế bên. Vô tình bạn điều khiển hơi chậm hơn đòn tấn công của quái vật một chút, thế rồi bạn chết mà mất cmn luôn nhiệm vụ. Vì thế hãy suy nghĩ cẩn trọng mỗi khi bước sang một màn hình chưa được khám phá bởi có những hang động thoạt nhìn tưởng rất chi là vô hại nhưng bất thình lình sẽ khóa cổng và dẫn người chơi thẳng đến chỗ một con boss vô cùng hung dữ. Ada chết, nhiệm vụ cũng bị mất và quan trọng hơn hết, bạn rõ ràng đang còn trẻ, đang đầy HP và muốn đi chơi tiếp chớ không có nhu cầu ăn lá ngón ngay lúc này.
Bên cạnh nỗi buồn chết chóc, có một chuyện may mắn là các tinh thể sparklite sẽ không bị mất như những trang bị tạm thời hay nhiệm vụ. Phew, dù sao trò chơi này có tên là Sparklite chớ không phải là Dark Souls hay Bloodborne thế nên ít nhất chúng ta không phải quá căng não khi tính toán từng đòn tấn công của quái vật như cách mà Neo trong the Matrix hay làm. Chung quy thì đầu game vẫn hơi bị dễ chết vì có vài giọt máu nhưng chết không rớt tiền, ấy là vạn hạnh trong bất hạnh vậy. Theo dự kiến Sparklite sẽ chính thức ra mắt vào ngày 15/11 (múi giờ VN) trên các hệ máy PS4, Xbox one, PC và Nintendo Switch thế nên ai có hứng thú cùng rouge-like hoặc đam mê kỳ lạ với bộ tóc của gã tiên xứ Hyrule có thể lót dép và cùng ngồi xuống chờ đợi. Một lưu ý cuối cùng là Mọt tui được chơi trước bản thử nghiệm nên những điều nói trên hoàn toàn là từ thực tế trải nghiệm của bản thân, không nên thắc mắc về tính minh bạch của bài viết này.
–
Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e