Stardew Valley là một trong những hiện tượng game indie của vài năm trở lại đây, với những thành tích ấn tượng như việc game đạt mốc 10 triệu bản bán ra chỉ mới vài ngày trước. Stardew Valley không chỉ giành được thiện cảm của game thủ bởi gameplay hấp dẫn mà còn vì sự nhiệt tình mà bản thân nhà phát triển dành cho nó, khi anh vẫn cứ tung ra những nội dung mới miễn phí nhiều năm sau khi game đã được phát hành.
Đây là một điều rất đáng quý trong bối cảnh mà ngành game đang chìm ngập trong những DLC hút máu, loot box gây tranh cãi, microtransaction thô bỉ, “remake” dối trá… Vì vậy, Mọt tui quyết định dành ra bài viết này để giới thiệu với các bạn về nguồn gốc của tựa game này, một trong những cái tên thực sự xứng đáng được gọi là “Labor of Love” hơn hẳn GTA V.
Concerned Ape
Thành tích mà Stardew Valley đạt được là điều mà ngay cả những studio làm game AAA cũng phải thèm muốn, nên việc nó được tạo ra bởi chỉ một người duy nhất càng đáng chú ý hơn. Người làm ra thành tích này là một anh chàng game thủ kiêm lập trình viên người Mỹ có tên Eric Barone – thường được các fan biết đến với tên gọi Concerned Ape.
Sự nghiệp làm game của Eric khởi đầu vào năm 2011, khi anh tốt nghiệp Đại học Washington – Tacoma với tấm bằng khoa học máy tính. Anh bắt đầu với việc tìm kiếm một công việc phù hợp với tấm bằng của mình, nhưng hoàn toàn chẳng được quan tâm. Sự khó khăn khi tìm việc cộng với chuyện không hào hứng gì với viễn cảnh làm công việc “từ 9 đến 5” trong một căn buồng nhỏ hẹp khiến Eric quyết định thử làm game.
Vốn là một fan của thương hiệu Harvest Moon, dòng game nông trại quen thuộc đến từ Nhật Bản, Eric từng cảm thấy rất thất vọng khi các tựa game Harvest Moon ngày càng mất đi linh hồn của mình. Vì vậy nên khi quyết định thử công việc làm game, anh muốn làm ra một bản sao của Harvest Moon và dự tính sẽ tung trò chơi lên Xbox Live Indie Games, chương trình hỗ trợ các nhà phát triển game indie của Microsoft. Mục tiêu của Eric vào thời kỳ này rất đơn giản: anh muốn chứng minh kỹ năng thiết kế game của mình, và hi vọng sẽ dụ được những fan của Harvest Moon “cắn câu.”
Tầm nhìn hạn hẹp đó không tồn tại lâu dài, bởi trong quá trình phát triển tựa game của mình, kỹ năng của Eric tăng lên và anh quyết định “chơi lớn.” Eric quay trở lại thiết kế và phát triển những yếu tố nền tảng của trò chơi và làm cho chúng tốt hơn. Theo Eric, anh làm tất cả những điều này nhằm tái hiện lại những gì đã mất đi trong những phiên bản mới nhất của Harvest Moon.
Những gì mà Mọt tui vừa tóm tắt trong đoạn văn ngắn ngủi bên trên thật ra đã ngốn của Eric bốn năm ròng rã. Anh chia sẻ rằng trong suốt 4 năm trời, anh đã dành ra 10 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần cho Stardew Valley. May mắn là anh có được sự ủng hộ hết mình cả về vật chất lẫn tinh thần từ cô bạn gái, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành thực vật học. Bản thân Eric cũng tìm một công việc bán thời gian tại rạp hát Paramount ở Seatte để tiếp tục nuôi dưỡng dự án Stardew Valley.
Một game thủ đầy đam mê
“Họ (nhà phát triển Harvest Moon) đã mất đi phép màu làm cho những tựa game đầu tiên đặc biệt,” Eric nói. “Họ đã tạo ra những thế giới đặc biệt và phong phú nơi bạn có thể lạc vào đó nhiều giờ liền. Gameplay của chúng đơn giản, nhưng có thứ gì đó tạo ra sự lôi cuốn ở đó: bạn thức dậy mỗi buổi sáng, kiểm tra nông trại của mình và hào hứng khi thấy được những cây trồng phát triển từ hạt giống thành thu hoạch. Có một thứ gì đó rất đặc biệt trong gameplay đơn giản của thế giới tươi đẹp đó.”
Khi cố gắng giải thích những gì đã làm mình yêu thích Harvest Moon, Eric nhắc đến những điều nhỏ nhặt mà ít khi chúng ta chú ý đến. Những chi tiết như các loài động vật nhỏ chạy rong, hay chú ếch nhảy ra khỏi bụi cỏ khi bạn cắt cỏ là những điều tạo ra “độ sâu” cho thế giới của game, khiến game thủ chìm đắm vào đó.
Dĩ nhiên anh tin rằng các nhân vật trong game cũng quan trọng không kém, và đã thể hiện điều đó qua các nhân vật trong Stardew Valley: game có cả một ngôi làng đầy những nhân vật đáng nhớ, từ ngài thị trưởng quyền lực đến gã ăn mày sống ở góc làng. Rất nhiều trong số họ có những câu chuyện cảm động mà bạn chỉ có thể khám phá khi bỏ thời gian và công sức để làm quen, tìm hiểu và lắng nghe họ. Đó là còn chưa kể đến việc tất cả dân làng đều có cuộc sống của riêng mình, hoàn toàn độc lập với những gì game thủ thực hiện trong game.
Ở đầu Stardew Valley, nhân vật chính của chúng ta đã bỏ công việc chán ngán của mình trong một căn buồng hẹp của Joja Corporation, có lẽ là một phương thức mà Eric bày tỏ sự bất mãn với lối sống “9 giờ tới 5 giờ” mà mình suýt nữa mắc phải. Tuy nhiên khi bỏ việc để đến với nông trại của ông mình, anh ta lại thấy sự hiện diện của Joja Corporation với một siêu thị lớn nằm ở gần đó. Đó là một phần trong thông điệp mà Eric muốn đưa vào trò chơi của mình: “tôi muốn Stardew Valley là một tựa game thú vị, nhưng tôi cũng muốn nó có những thông điệp từ đời thực,” Eric nói.
Gameplay tự do
Khác với các tựa Harvest Moon khi trò chơi thường kết thúc sau hai năm (thời gian trong game), Eric thiết kế tựa game của mình sao cho game thủ có thể chơi bao lâu tùy thích. Điều này giúp Eric có thể tạo ra rất nhiều lựa chọn, cốt truyện và mục tiêu cho game thủ và giúp họ có thể khám phá tất cả trong một lượt chơi. “Tôi muốn trò chơi phải tràn ngập những thứ bạn có thể làm, nhưng không làm cho bạn cảm thấy căng thẳng (vì sợ bỏ lỡ),” Eric nói.
Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là Stardew Valley buộc bạn phải làm mọi thứ trong game, hay chơi game theo hướng giải trí đơn thuần. Sự tự do của trò chơi cho phép game thủ thưởng thức nó theo bất kỳ cách nào mình muốn: từ những game thủ chơi bằng số liệu và bảng tính đến những người “làm việc tùy tâm.” Eric nói anh không mong muốn game thủ biến nông trại của mình thành một guồng máy in tiền, nhưng anh so sánh điều đó với việc một người cha nhìn thấy đứa con của mình trưởng thành.
“Tôi tưởng tượng đó là cảm giác khi bạn nuôi dạy một đứa trẻ. Trong thời thơ ấu, bạn là cả thế giới của chúng, nhưng rồi chúng bất ngờ rời nhà ra đi và tự lập, và bạn nhận ra rằng có lẽ chúng không phải là người như trong trí tưởng tượng của bạn,” Eric chia sẻ. “Tôi vẫn nghĩ rằng cách hay nhất để chơi game là tự tìm hiểu mọi thứ và không cần phải tối ưu số tiền bạn tạo ra, nhưng tôi có thể hiểu rằng rồi bạn sẽ muốn làm vậy như một cách tự thử thách mình trong game.”
Nấu nướng
Trong quá trình phát triển trò chơi, Eric đã làm nhiều điều nhằm cố gắng tạo ra “cảm giác Harvest Moon” mà mình muốn có trong game ngay cả khi những thứ đó làm giảm bớt sự tự do của game. Khá nhiều quyết định trong số đó xoay quanh việc nấu nướng, và đôi khi nó buộc Eric phải xóa bỏ một phần nội dung của trò chơi.
Một trong những quyết định như vậy là việc không đưa tính năng xẻ thịt vật nuôi vào game: dù bạn có thể nuôi gà lấy trứng, nuôi bò lấy sữa… game không cho phép bạn giết chúng để lấy thịt, dù nó từng tồn tại cũng như nhiều tester và game thủ đã bày tỏ ý muốn được thấy tính năng này. “Tôi không muốn có tính năng đó. Bạn đặt tên cho con vật, nựng nịu nó, một trái tim nhỏ nổi lên trên đầu chúng, rồi bạn giết chúng? Tôi cảm thấy không đúng. Tính năng đó không hợp với cảm giác mà tôi muốn tạo ra cho trò chơi, vậy nên tôi cắt bỏ nó và không hề hối tiếc.”
Tương tự như vậy, việc nấu ăn trong game cố ý được cân chỉnh để thành phẩm không đem lại lợi nhuận nhiều hơn so với bán nguyên liệu, chẳng hạn trứng chiên không đem lại nhiều tiền lời hơn trứng. “Giá trị của trứng chiên nằm ở chỗ nó đem lại cho bạn thêm nhiều Energy, chứ không phải để làm ra thật nhiều tiền. Vì nếu tôi làm cho (thức ăn bán được giá hơn), bạn sẽ cảm thấy mình phải nấu hết tất cả mọi nguyên liệu, và đó chỉ làm bạn phải click nhiều hơn.”
Nói cách khác, tính năng nấu nướng tồn tại trong game để đem lại cho game thủ Health và Energy, để khuyến khích họ tham gia vào việc câu cá, làm ruộng và đào mỏ, chứ không phải để game thủ hốt bạc bằng cách bỏ hàng núi thời gian vào việc click chuột không ngừng nghỉ trong gian bếp của mình. Anh không muốn Stardew Valley trở thành một tựa game tập trung vào hiệu suất, mà là một trò chơi chậm rãi nơi bạn có thể thưởng thức theo ý muốn của mình.
Không vì lợi nhuận, nhưng đem lại lợi nhuận
Sau bốn năm gian khổ, Stardew Valley được phát hành vào ngày 26/2/2016, và Barone bị shock khi nhìn thấy doanh số trò chơi của mình. Nhờ sự giúp đỡ của nhà phát hành Chucklefish và các nhân vật nổi tiếng trên Twitch và YouTube, Stardew Valley nhận được sự chú ý của rất nhiều game thủ trên khắp thế giới. Với 10 triệu bản bán ra, Eric đã nhận được khoản “tiền lương” xứng đáng cho 4 năm lao động của mình, và Mọt tui đang rất trông đợi vào những tựa game mà anh sẽ cho ra mắt trong tương lai.