Là cán sự của lớp, Đỗ Việt Anh từng sống trong những tháng ngày áp lực khủng khiếp khi cả lớp đỗ, mình lớp trưởng trượt trong kỳ thi vào lớp 10.
Cậu bạn Việt Anh hiện là học sinh lớp 11D trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Việt Anh có một thời cấp 2 theo cậu là "đáng mong ước".
Suốt 9 năm học, cả cấp 1 và 2 cậu đều là lớp trưởng và đều trong diện top các học sinh có thành tích xuất sắc nhất trong trường. Vì thế, chẳng có lý do gì mà Việt Anh không tự tin đăng ký thi vào lớp 10 một trường điểm ở Hà Nội cách đây 2 năm. "Em cũng tự tin nghĩ rằng mình sẽ đỗ vào trường đó nhưng rồi mọi việc hoàn toàn khác.", Việt Anh kể.
Sáng ngày hôm đó, khi lên tra điểm, chiếc bánh mỳ Việt Anh đang ăn dở trên tay rơi xuống đất lúc nào mà không hề hay biết. Như sét đánh ngang tai, Việt Anh đã bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội.
"Lớp có 46 bạn thì 45 người đỗ, một mình em là lớp trưởng lại trượt.", Việt Anh kể lại nỗi ám ảnh khi cả lớp đỗ, mình lớp trưởng trượt của bản thân và cho biết cảm xúc lúc đó giống như chiếc xe đang lên đến gần đỉnh núi thì bị tụt dốc vèo xuống hẳn vực thẳm.
(Ảnh minh họa)
Gia đình Việt Anh khi hay tin thì gần như hỗn loạn. Bố mẹ không ai nói với nhau câu gì. "Khi thông báo qua điện thoại, mẹ còn tưởng là em đùa và không thể tin em có thể trượt được. Khi biết đó là sự thật, mẹ đã phóng vội từ cơ quan về nhà và ôm lấy em mà khóc.", Việt Anh bùi ngùi nhớ lại.
Cậu bạn cũng nhớ lại giây phút đáng sợ: "Ngày thường, khi về thì bố em sẽ dắt xe vào nhà trước rồi mới bước vào. Nhưng chiều ngày hôm đó, bố để xe ở ngoài ngõ và chạy thẳng vào nhà, chỉ hỏi đúng một câu: Sao rồi con?".
Nghe Việt Anh nói mình trượt, bố đi một mạch lên phòng. "Lúc ấy em cũng không biết nên xử sự thế nào với bố mẹ. Tối đó, bố mẹ có lời qua tiếng lại với nhau. Một phần của cuộc cãi vã mà em có nghe được là bố dường như mất hoàn toàn niềm tin vào em và cho rằng em là người không thể theo được con đường học vấn.", Việt Anh kể lại.
Tuy nhiên, mẹ Việt Anh thì còn một chút niềm tin vào con trai và thuyết phục chồng cố gắng cho cậu bạn theo một trường tư nào đó để sửa sai. “Ngày hôm sau, mẹ đã giấu bố để đưa đến một trường tư ở Hà Nội để đăng ký cho học. Trên đường đi nộp hồ sơ về, bố có gọi và chỉ hỏi em một câu rằng con muốn đi học không, lúc đó em đã khóc nhưng không dám trả lời bố mà đưa lại chiếc điện thoại cho mẹ. Cũng từ đó, khoảng cách giữa con và bố cũng xa dần.”, Việt Anh đau lòng cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, Việt Anh chia sẻ: “Một lần, bố cũng có nói với em rằng không nên đi học nữa mà nên kiếm một công việc gì đó để đi làm”. "Học nữa cũng chả làm được gì đâu!", đó là những lời bố Việt Anh nói với cậu những ngày sau đó.
Lúc đó, nỗi ám ảnh mang tên “cả lớp đỗ, mình lớp trưởng trượt” như bị dồn nén, như bị tuôn trào khiến Việt Anh nhảy lên và cãi nhau với bố. Nhiều lúc cả hai bố con đã lời qua tiếng lại vô cùng gay gắt.
Khi còn trẻ, hoàn toàn có thể sửa sai
3 tháng sau, cậu bạn Việt Anh đến học tại ngôi trường tư mà mẹ đã giấu bố để đăng ký. Việt Anh cho biết những ngày đầu tiên, mình đi theo kiểu đến học rồi đi về và không nói chuyện với bất kỳ ai cả. Tuy nhiên, bước ngoặt xảy đến khi không hiểu cô chủ nhiệm lấy thông tin ở đâu và rồi chỉ định cậu bạn làm lớp trưởng tạm thời.
Với nỗi ám ảnh trước đó, Việt Anh đã có 2 luồng suy nghĩ đấu tranh nhau. Một là "mình là một đứa trượt cấp 3, làm lớp trưởng nói ai người ta nghe hay nể". Suy nghĩ khác là "thôi cứ làm đến đâu thì làm, cố được đến đâu thì cố".
Thế rồi, được sự động viên của cô Thủy, giáo viên chủ nhiệm, Việt Anh đã nhận lời. Tuy nhiên, suy nghĩ khép kín vẫn bao trùm lấy bản thân cậu nam sinh lớp 10 mãi cho đến 2 - 3 tháng sau.
Trong một giờ Lịch sử, giáo viên yêu cầu một người lên thuyết trình. Cả lớp giơ tay nhưng cô lại chỉ đích danh lớp trưởng. "Lúc đó em cũng trước 2 suy nghĩ. Một vẫn là 'Mình nói thì ai nghe bởi vì mình là một đứa... trượt cấp 3'...", nghĩ vậy rồi Việt Anh cũng liều bước lên.
Được sự động viên của cô giáo dạy Lịch sử, Việt Anh đã đứng lên thuyết trình và khiến cả lớp khâm phục lắng nghe. Sau buổi hôm đó, nam sinh lớp 10 cảm giác mình thực sự đã tìm lại được sự tự tin và chính mình.
Việt Anh vẫn còn nguyên xúc động khi kể lại chuyện ngày xưa. (Ảnh: Thanh Hùng)
Nhờ sự nỗ lực của bản thân, sau buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1 năm lớp 10 thì cả bố và mẹ Việt Anh đều đã có cái nhìn thay đổi về con. Cũng từ đó mà Việt Anh mới vượt qua được áp lực của việc thi trượt lớp 10 và sống đúng là chính mình.
Spencer Johnson, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ cũng từng nói: “Tuyệt đối không nên chỉ dựa vào điểm số mà phán đoán ưu điểm của trẻ, càng không nên khiến trẻ vì việc này mà hình thành nên quan điểm về danh dự và nhục nhã”.
Càng ngày, chúng ta càng nhận ra được một thực tế rằng, điểm số không còn là công cụ để đo lường giá trị của một con người. Vậy nên các bậc cha mẹ xin đừng để điểm số trở thành cái kiềng trói buộc, là nỗi ám ảnh đối với con cái mình.
Theo Vietnamnet.vn
Thầy hiệu trưởng gửi tâm thư cho học trò thi trượt: "Em sinh ra để làm nhiều điều lớn lao hơn thế!"